Tác giả: PGS TS Phạm
Xuân Lan
Bs Ths Phùng Thị Hồng Thắm
Năm: 2011
Tài liệu này không bán, Vietnam Carenet in theo yêu cầu của người
đọc, người đọc trả chi phí in và gửi tài liệu đến tận nơi theo địa chỉ
Liên hệ qua email: vncarenet@gmail.com
TÓM TẮT
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố tác động
vào sự hài lòng của bệnh nhân ngoại trú tại thành phố Hồ Chí Minh, kết quả
nghiên cứu giúp cho các nhà quản trị bệnh viện có thêm cơ sở để ra các quyết định
và chính sách của bệnh viện. Trong nghiên cứu này, mô hình và các thang đo được
hình thành trên cơ sở lý thuyết kết hợp với kết quả của các công trình nghiên cứu
trước đây và thông qua phỏng vấn sâu 10 bệnh nhân. Tiếp theo, một bảng câu hỏi
nháp được thiết kế để tiến hành phỏng vấn thử 100 bệnh nhân với điều kiện họ đã
trải qua ít nhất một đợt điều trị tại một bệnh viện đa khoa thành phố Hồ Chí
Minh. Từ kết quả của nghiên cứu sơ bộ, các thang đo được điều chỉnh để trở
thành các thang đo chính thức.
Các thang đo và mô hình lý thuyết được kiểm định thông qua
nghiên cứu định lượng với mẫu n = 457 bệnh nhân ngoại trú được chọn theo phương
pháp phân tầng, mỗi bệnh nhân đã trải qua ít nhất một đợt điều trị tại một
trong ba bệnh viện: bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh và
Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic năm 2010. Qua phân tích nhân khẩu học, có thể
xem mẫu này đại diện được cho số đông bệnh nhân tại các bệnh viện đa khoa thành
phố Hồ Chí Minh.
Phần mềm SPSS 17.0 đã được sử dụng để xử lý các thông tin, kiểm
định thang đo, phân tích nhân tố khám phá, kiểm định mô hình và các giả thiết.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy các thang đo lường các khái niệm
nghiên cứu đều đạt được độ tin cậy. Kết quả phân tích nhân tố khám phá cho thấy
có 36 thành phần để đo lường bảy nhân tố bao gồm: cơ sở vật chất và môi trường
của bệnh viện, năng lực tác nghiệp của bác sĩ và điều dưỡng, kết quả khám chữa
bệnh, sự quan tâm phục vụ của bệnh viện, thời gian dành cho cuộc khám chữa bệnh,
sự tin cậy và chi phí khám chữa bệnh. Kết quả phân tích hồi quy với mẫu đầy đủ
cho thấy có năm yếu tố tác động vào sự hài lòng của bệnh nhân ngoại trú, trong
đó có bốn yếu tố tác động dương tính lên sự hài lòng theo thứ tự từ mạnh đến yếu
là (1) kết quả khám chữa bệnh, (2) năng lực tác nghiệp của các bác sĩ và điều
dưỡng, (3) cơ sở vật chất và môi trường của bệnh viện, (4) sự quan tâm phục vụ
của bệnh viện, và yếu tố thời gian có tác động âm tính lên sự hài lòng của bệnh
nhân ngoại trú. Khi phân tích mô hình hồi quy trên mẫu được phân chia theo đặc
tính sở hữu của bệnh viện hoặc phương thức chi trả thì tìm thấy thêm bốn mô
hình có ý nghĩa. Mô hình của bệnh viện công khác với bệnh viện tư, và mô hình của
bệnh nhân bảo hiểm y tế khác với bệnh nhân không bảo hiểm y tế.
Yếu tố thời gian khám chữa bệnh không có tác động vào sự hài lòng
của bệnh nhân ngoại trú bệnh viện công. Yếu tố “cơ sở vật chất và môi trường”
không có tác động vào sự hài lòng của bệnh nhân ngoại trú của bệnh viện tư. Sự
tin cậy đã xuất hiện có ý nghĩa trong mô hình của bệnh viện tư, và trong mô
hình này yếu tố thời gian có tác động quan trọng hơn đến sự hài lòng của bệnh
nhân ngoại trú.
Vì dữ liệu chung rất lớn, mô hình sự hài lòng của bệnh nhân bảo
hiểm y tế tương đồng với mô hình sự hài lòng của bệnh nhân bệnh viện công, mô
hình sự hài lòng của bệnh nhân không bảo hiểm y tế tương đồng với mô hình sự
hài lòng của bệnh nhân bệnh viện tư. Ngoài ra, kiểm định T – test cho thấy mức
độ hài lòng của bệnh nhân ngoại trú bệnh viện công vẫn cao hơn bệnh viện tư.
Trong năm mô hình, chi phí khám chữa bệnh không có tác động vào sự hài lòng của
bệnh nhân ngoại trú.
Kết quả của nghiên cứu này cung cấp cho các nhà quản trị bệnh viện
một số công cụ nhằm nâng cao mức độ hài lòng của bệnh nhân ngoại trú, đồng thời
giúp cho các nhà quản trị có cơ sở để hoạch định một chiến lược phát triển mối
quan hệ bền vững với cộng đồng. Nghiên cứu này cũng bổ sung vào hệ thống lý
thuyết về sự hài lòng của bệnh nhân, các thang đo và mô hình từ kết quả nghiên
cứu này có thể làm cơ sở tham khảo cho các nghiên cứu về sau. Nghiên cứu này
không tránh khỏi những hạn chế, và để khắc phục, các cách thức đã được đề xuất
dành cho các nghiên cứu về sau, đồng thời nghiên cứu này cũng mở ra các hướng
cho nghiên cứu trong tương lai về hành vi sử dụng dịch vụ lặp lại, hành vi lựa
chọn bệnh viện và sự chấp nhận giá trong lĩnh vực khám chữa bệnh ngoại trú.
___________________________________________________
___________________________________________________