TÀI CHÍNH KẾ TOÁN Y TẾ TƯ NHÂN CHƯA BẮT KỊP VỚI THỰC TẾ - Phùng Thắm

Vietnam Carenet: Bài viết 2014

Hiện nay, cả nước có 170 bệnh viện tư , trong số đó có 02 bệnh viện: Tâm Đức và Triều An có báo cáo tài chính công bố rộng rãi ra công chúng, trên sàn chứng khoán và công bố trên website. Điều này không có nghĩa là công ty niêm yết là vững mạnh hơn, các công ty còn lại là yếu kém. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các công ty mang tính đại chúng phản ánh lĩnh vực y tế tư nhân trên tổng thể chưa mạnh, chưa huy động được các nguồn lực của xã hội tham gia sâu rộng vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Hệ quả này từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chính sách vĩ mô, nền y tế hội nhập chậm trong bối cảnh toàn  cầu hóa, nội lực yếu về nhân lực và tài lực, thiếu những nhà chiến lược, quản trị nội bộ vẫn còn là quá trình khám phá trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Về tài chính bệnh viện, Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng đã từng chia sẻ: “nếu tôi có kiến thức về tài chính thì bây giờ Hệ thống Hoàn Mỹ đã không M&A với nước ngoài … mà Hoàn Mỹ sẽ mua lại hệ thống bệnh viện của các nước lân cận… Công ty không biết được cách đầu tư, cách kêu gọi tài chính như thế nào, lúc nào nên đầu tư và thị trường tài chính như thế nào… Năm 2009, Hệ thống Hoàn Mỹ phải trả lãi suất ngân hàng 4 tỷ/tháng, dòng tiền của 10 hệ thống không đáp ứng được, dẫn đến khủng hoảng tài chính trong công ty. Khi tài chính không quản trị được thì chuyên môn cũng không giữ vững được, khi đó mới nhận thức được rằng vấn đề quản trị tài chính là then chốt trong quản lý bệnh viện tư nhân. Sự đam mê trong nghề nghiệp y khoa thì xã hội ủng hộ, chỉ có điều mình rút kinh nghiệm trong quản lý bệnh viện tư nhân, nhất là vấn đề quản trị tài chính.
Bác sĩ khám chữa bệnh, niềm vui của bác sĩ là nụ cười của bệnh nhân, nếu bệnh nhân không có tiền trả thì hôm khác tới trả … Nhưng, khi kinh doanh thì có các định chế tài chính, nếu anh không trả được tiền thì anh mất tài sản và mất cả sự nghiệp!” (Trích trả lời phỏng vấn trên FBNC của Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, 2013).
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, một nhà chiến lược, được tôn vinh như cánh chim đầu đàn của y tế tư nhân Việt Nam, người đã tạo dựng thương hiệu bệnh viện Hoàn Mỹ, hệ thống bệnh viện tư nhân hàng đầu Việt Nam, những lời ông chia sẻ là bài học quý báu cho những người đang làm y tế tư nhân và các thế hệ đi sau, đặc biệt kinh nghiệm về quản trị tài chính.
Một phương diện khác, một lần trong cuộc họp, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị một bệnh viện nói với mọi người: chúng ta phải có chiến lược về các khoản chi và kể cả thuế, không ít người, trong đó có Giám Đốc bệnh viện cho rằng khoản chi và thuế do bộ phận kế toán lo. Chủ tịch vẫn kiên quyết: chúng ta không lẫn tránh nghĩa vụ thuế, nhưng chúng ta tiết kiệm chi phí, đồng thời các chi phí phải được đưa vào, phải giải trình được và được cơ quan thuế chấp nhận, do đó, cách thức của công ty và các hoạt động phát sinh mỗi ngày phải đảm bảo đạt được mục tiêu đó. Tư duy lãnh đạo chưa thay đổi từ đơn vị công lập chuyển sang lĩnh vực tư nhân, nhiều lãnh đạo cơ sở y tế tư nhân phó thác hoàn toàn cho bộ phận kế toán. Với câu chuyện vừa nêu. thực ra, đây chỉ là vấn đề cơ bản của quản lý chi phí nhưng không phải ai cũng hiểu, một tổ chức tư nhân muốn có hiệu quả thì không những từng nhân viên phải hiểu mà còn phải biến sự hiểu biết đó thành hành động tích cực.
Phần lớn các cơ sở y tế tư nhân thuộc loại hình công ty TNHH, công việc kế toán theo công việc phát sinh và báo cáo cơ quan chức năng. Kiểm toán, một công việc quan trọng nhưng rất nhiều công ty chưa quan tâm đúng mức. Tại đây, có một khoảng cách lớn giữa giá trị sổ sách và giá trị thực tế. Đến một thời điểm, công ty muốn khắc phục các số liệu đã bị chênh lệch trong quá khứ, khi đó công ty tốn nhiều thời gian và công sức, sự hợp thức hóa thường được chấp nhận trong nội bộ nhưng không dễ dàng diễn giải với các đối tác bên ngoài, đây là một vấn nạn thường gặp trong các cơ sở y tế tư nhân. Do tính đặc thù, giám đốc cơ sở y tế tư nhân là bác sĩ, đa phần không có kinh nghiệm và chưa qua đào tạo về quản tri tài chính kế toán, chủ tịch hội đồng quản trị phải trực tiếp điều hành bộ phận này, có người làm tốt nhưng không ít người thất bại.
Vì lý do khách quan và chủ quan, trong 15 năm qua, nhiều nhà đầu tư chọn cách tối ưu hóa lợi nhuận và thu hồi vốn trong một thời gian ngắn, thường thấy trong các dự án y tế quy mô nhỏ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại thường thấy ở các phòng khám đa khoa. Với tư duy ngắn hạn như thế  đã làm hạn chế sự phát triển khi kêu gọi đầu tư, vay vốn, mở rộng quy mô, cổ phần hóa, giá trị thương hiệu, và tính bền vững của thương hiệu. Có phải vì thế mà trong một thời gian qua có rất ít những thương hiệu lớn mang tầm vóc quốc gia và có thành tựu khoa học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tư nhân.

Đến nay, những thành công hay thất bại của các cơ sở y tế tư nhân đã dần làm sáng tỏ nền tảng quản trị tổng thể và năng lực của lãnh đạo, việc thiếu vốn luôn tồn tại, vấn đề là biết tối ưu nội lực và lựa chọn mô hình hoạt động thích hợp. Đặc biệt, hiểu biết về tài chính và kế toán để quản lý, để hiểu những gì các tổ chức tài chính đã tư vấn để đưa ra các quyết định. Bên cạnh niềm đam mê nghề y, đây là điều song hành rất cần thiết cho những ai có ý chí lập nghiệp và trở thành người đứng đầu một cơ sở y tế tư nhân thành công.

30.12.2014
Bs Phùng Thị Hồng Thắm (MBA)


------------------------------------------------------------------------------------
 LẬP DỰ ÁN PHÒNG KHÁM ĐA KHOA (PHIÊN BẢN 2)
------------------------------------------------------------------------------------