ĐIỂM YẾU CỦA BỆNH VIỆN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH: HOẠCH ĐỊNH VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH - Phùng Thắm

Bài viết vẫn còn nhiều hạn chế do nhận định chủ quan của cá nhân và do yếu tố khách quan như: dữ liệu tài chính, kế toán của các bệnh viện công hầu như không có nguồn công khai, chính thức để tham khảo.
------------------------------

Năm 2009, một bệnh viện tư nhân đang còn trong giai đoạn xây dựng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (kiêm C.E.O) giao cho tôi quản lý hành chánh, nhân sự, kế toán,… nói chung, quản lý toàn bộ văn phòng của bệnh viện, những công việc ở vị trí này tương đương hiện nay gọi là COO (tạm dịch là giám đốc tác nghiệp)
Vào thời điểm đó, bệnh viện đang thiếu một kế toán trưởng, tôi đã tìm được một kế toán trưởng, người vừa chuyển sang tư vấn kế toán độc lập, từng làm kế toán trưởng của một bệnh viện tư đang hoạt động, người này đã thành công trong vai trò kế toán tại đây, nơi mà tôi đã có dịp làm chung khoảng một năm.

Nhưng người kết toán trưởng này không phù hợp cho bệnh viện hiện tại, sau thời gian thử thách khoảng 3 tháng, hai bên đã kết thúc hợp đồng và không ký hợp đồng mới.
Vấn đề ở đây là gì? Bệnh viện này trong giai đoạn dự án, cần thêm vốn và đang kêu gọi đầu tư, và lên kế hoạch tài chính chuẩn bị đi vào hoạt động, bệnh viện cần người có năng lực đó. Vai trò như thế, người kế toán không thể đảm đương, bệnh viện tuyển chưa đúng người. Công việc của người kế toán tại bệnh viện tư trước đây, trong giai đoạn dự án vẫn thuần là công việc của kế toán, việc lo nguồn vốn và kêu gọi đầu tư do một người khác phụ trách.
Người mà bệnh viện đang cần chính là một giám đốc tài chính, thời điểm này, tôi chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá, đã tuyển không đúng người, dù người đó rất giỏi và từng thành công trong chuyên môn kế toán. Bệnh viện đã tìm được một cố vấn tài chính, sau đó tuyển hẳn một người đảm đương vai trò này. Một thời gian sau, khi được nghe Bs Nguyễn Hữu Tùng chia sẻ trong các buổi trò chuyện của ông với công chúng và trong hồi ký, cùng những trải nghiệm trong công việc theo thời gian, tôi càng thấu hiểu thêm một thực tế nữa về vai trò của tài chính trong quản lý dự án, dự báo, đánh giá rủi ro trong các hoạt động của bệnh viện, bao gồm các bệnh viện đang hoạt động và các dự án mới.
Vấn đề tài chính đã trở thành bài học từ gần 10 năm trước trong lĩnh vực tư nhân, đến nay y tế tư nhân đã có những bước tiến dài trong lĩnh vực này, đặc biệt tại các công ty bệnh viện theo loại hình cổ phần, và nhất là các công ty bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài. Nay, trở lại vấn đề "Tự Chủ Tài Chính" tại các bệnh viện công, đặc biệt các bệnh viện tuyến quận/huyện tại TP.HCM. Vấn đề này không có sự tương đồng hoàn toàn, nhưng cái gốc của vấn đề là không khác nhau.
Tự chủ tài chính, tự chủ trong thu chi và đầu tư phát triển, ... bệnh viện không còn được cấp ngân sách hoặc giảm dần ngân sách được cấp, tùy theo các mức độ được giao quyền tự chủ. Trên thực tế, vẫn còn những rào cản, và bệnh viện cần phải vận hành đúng những nguyên tắc không trái với pháp luật, áp dụng linh hoạt dựa vào những đặc thù của ngành y, và sự khác biệt của từng bệnh viện, ... Dù giám đốc bệnh viện đã học xong rất nhiều khóa quản lý công thì vẫn sẽ vướng những vấn đề cốt lõi trong giai đoạn chuyển sang tự chủ tài chính. Tại các cơ sở y tế công, dù bộ phận kế toán có nỗ lực đến đâu thì mảng kế toán quản trị vẫn còn là điểm yếu, hoặc bỏ ngõ (do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan), nhưng đây lại là điều rất quan trọng để phục vụ cho việc phân tích tài chính bệnh viện. Nếu giám đốc bệnh viện công chưa sử dụng cố vấn tài chính (trừ khi giám đốc tự nỗ lực để giỏi về tài chính), ban lãnh đạo vẫn dựa hoàn toàn vào phòng kế toán (chuyên môn của họ không phải là lĩnh vực tài chính). Dù phòng kế toán nỗ lực vượt bật, có bị gõ cửa hối thúc công việc dồn dập  thì bệnh viện vẫn sẽ chưa có được bản hoạch định chiến lược tối ưu trong bối cảnh mới, và tất nhiên cũng sẽ khó lập được kế hoạch hằng năm (nguồn vốn, doanh thu, chi phí, lợi nhuận và dòng tiền) hoàn chỉnh.
Tài chính khác với kế toán! Một điều rất cơ bản, nhưng không ít người làm quản lý vẫn chưa nhận thức sâu sắc vấn đề này. Bộ phận kế toán ghi chép, phản ánh các số liệu của quá khứ. Biết rằng trong quá trình xã hội hóa, bộ phận kế toán của một số bệnh viện công đã làm một phần công việc của chuyên viên phân tích tài chính trên từng dự án liên doanh liên kết, đến thời điểm này kinh nghiệm đó vẫn chưa đủ để đáp ứng cho giai đoạn tự chủ tài chính, nhất là những nơi tự chủ tài chính hoàn toàn. Bộ phận tài chính dựa trên các dữ bên trong, bên ngoài, điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để phụ trách việc hoạch định tài chính hằng năm (vào tháng 10 của năm tài chính), phân tích đánh giá kết quả tài chính của từng tài sản, khoa phòng, hiệu quả đồng vốn một cách chuyên nghiệp, đề xuất các giải pháp tài chính và phối hợp để triển khai khi giải pháp đã được phê duyệt,  để đạt được các mục tiêu của năm.
Có thể thấy hiện tượng một ông giám đốc rất tất bật với marketing, vì theo ông ấy bây giờ là tự chủ tài chính phải thu hút khách hàng, là ưu tiên hàng đầu, dĩ nhiên nên có marketing, điều này đúng và nằm trong tổng thể các mặt điều hành của một giám đốc. Nhưng vấn đề tối ưu là vấn đề tài chính, điều này phải được xác định là quan trọng nhất trong giai đoạn bản lề của tiến trình tự chủ,  sau đó mới khuếch trương marketing hoặc mở rộng đầu tư. Làm thế nào để hoạch định, làm sao quản lý tài chính, đây là điểm yếu và có nhiều phức tạp trong hệ thống y tế công. Trong cơ cấu nhân sự hiện nay, hầu như không có vị trí nào dành riêng cho tài chính trong đội ngũ của bệnh viện. Nếu một giám đốc chưa từng biết về một bản kế hoạch tài chính của một doanh nghiệp hàng năm, chưa từng đọc qua và hiểu sâu sắc về bảng cân đối kế toán, bảng báo cáo thu nhập, dòng tiền, giám đốc đó chưa thể nào tự viết được một bản kế hoạch hoạt động tổng thể bệnh viện trong tình hình mới, và cũng chưa sẵn sàng để thành công  trong môi trường tự chủ tài chính bệnh viện.
Ngành y tế đã từng có hoặc đang có quan điểm thuê giám đốc điều hành (C.E.O) để điều hành bệnh viện, điều đó khó khả thi trong cơ chế hiện thời. Điều nên làm là gì?
-   Nên có những khóa huấn luyện giám đốc doanh nghiệp y tế cho các cán bộ đang làm giám đốc hoặc sẽ được cơ cấu làm giám đốc bệnh viện. Không biết ngành y tế đã có mở những lớp như thế hay chưa?
-   Nếu bệnh viện chưa có người phụ trách về tài chính, kế toán trưởng nên học (thực học) các khóa về tài chính, và quan trọng nhất là thực hành được mảng tài chính bệnh viện. Tốt hơn, nếu bệnh viện có được một người quản lý tài chính (thực tài và am hiểu tài chính bệnh viện Việt Nam) trong ban chiến lược của bệnh viện. Không biết có bệnh viện tuyến huyện nào đã làm việc này chưa?
Nếu mong muốn các bệnh viện tự chủ tài chính hoạt động như doanh nghiệp, vấn đề này rất hệ trọng. Nếu trong lĩnh vực tư nhân, với những thay đổi lớn như thế, vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp được đặt ra, liên quan đến chiến lược và thực thi chiến lược, có khi thay đổi nhiều vị trí quản lý điều hành, sắp xếp lại các phòng ban, cắt giảm các hoạt động kém hiệu quả, đầu tư vào hoạt động khác có giá trị hơn. Những việc cần làm trong giai đoạn tái cấu trúc được liệt kê theo thứ tự ưu tiên trong hành động.
Nếu bệnh viện là một doanh nghiệp (kể cả khi gọi là doanh nghiệp công ích), trước tiên phải có nhân sự cho doanh nghiệp bệnh viện, đội ngũ y khoa vẫn là đội ngũ chính, có những vấn đề thuộc về nền tảng như quản lý chất lượng, việc này thực hành liên tục. Vấn để nổi bật cần phải quản lý ngay từ bây giờ, đó là vấn đề tài chính, và như thế, cần có nhân sự quản lý tài chính và ban lãnh đạo cũng cần hiểu về tài chính.
Hy vọng lãnh đạo ngành y tế, ngành tài chính, ngành chủ quản các bệnh viện công tự chủ tài chính sẽ có những giải pháp để nâng cấp các vị trí điều hành cấp cao tại các bệnh viện (C – Suite), trong đó có vị trí của tài chính cho vấn đề tự chủ tài chính.
16/10/2017
Bs Phùng Thị Hồng Thắm

Bài viết vẫn còn nhiều hạn chế do nhận định chủ quan của cá nhân và do yếu tố khách quan như: dữ liệu tài chính, kế toán của các bệnh viện công hầu như không có nguồn công khai, chính thức để tham khảo.