PHẦN 1: VIỆN PHÍ, GIÁ CẢ, PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN
Tuổi Trẻ Online 24/07/2017
Năm 2017, nhiều địa phương trên cả
nước tăng viện phí theo lộ trình của Chính phủ.
Tại TP.HCM, từ ngày 1-8 các bệnh viện công tự bảo đảm chi thường
xuyên sẽ tăng viện phí trung bình khoảng 30% đối với người không có thẻ bảo hiểm
y tế. Đối với các bệnh viện công đảm bảo một phần chi thường xuyên sẽ tăng viện
phí từ 1-10.
Viện phí tăng ảnh hưởng thế nào đến người không có bảo hiểm y tế?
Nếu chẳng may mắc phải bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm y tế đỡ gánh nặng viện phí ra
sao?
Muốn tham gia bảo hiểm y tế có khó không, đăng ký ở đâu, thủ tục
thế nào? Hộ khẩu ở tỉnh, sống ở TP.HCM có mua BHYT được không? Quyền lợi của
người tham gia bảo hiểm y tế ra sao khi đi khám, chữa bệnh…
Tham dự buổi giao lưu trực tuyến có:
- Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội
TP.HCM.
- TS.BS Diệp Bảo Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu
TP.HCM.
- Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng phòng giám định 1, Bảo hiểm
xã hội TP.HCM.
- Bà Đinh Thị Liễu - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y
tế TP.HCM.
Sau đây là những câu hỏi và câu trả lời liên quan đến viện phí,
giá cả và cách thức thanh toán BHYT:
VIỆN PHÍ, GIÁ CẢ, PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN
Lê Quang Toản 10:23 24/07/2017
Sở Y tế có thể thông báo việc tăng giá khám chữa bệnh trong năm
2017? Với việc tăng giá như vậy, làm sao người dân có thể khám chữa bệnh? Có giải
pháp tính toán nào phù hợp với người dân không?
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM10:48 24/07/2017
Việc tăng giá kì này áp dụng cho người bệnh khi tham gia BHYT.
Như vậy, người bệnh đã tham gia BHYT, người bệnh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia
đình chính sách, bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi không bị ảnh hưởng bởi
đợt điều chỉnh giá kì này.
Nếu người bệnh chưa tham gia BHYT thì phải nhanh chóng mua BHYT
cho bản thân và gia đình để giảm gánh nặng chi trả khi bệnh tật. Nếu bạn mua
theo hộ gia đình thì sẽ được giảm chi phí mua thẻ. Cụ thể: Mức giá mua thẻ BHYT
của người thứ nhất là 4,5% x 1,3 triệu x 12 tháng = 702.000 đồng/năm; người thứ
hai là 70% x 702.000 đồng = 491.400 đồng; người thứ ba là 60% x 702.000 đồng =
421.200 đồng; người thứ tư là 50% x 702.000 đồng = 351.000 đồng; từ người thứ
năm trở đi là 40% x 702.000 đồng = 280.000 đồng.
---------------------------------------
Nguyễn Dũng 10:26 24/07/2017
Tôi hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất hóa học, lâu nay quỹ
BHYT thanh toán khám chữa bệnh 100%. Ngày 16-5-2017 tôi xin khám mắt được bác
sĩ cho chụp ảnh mắt nhưng bệnh viện Thống Nhất buộc tôi phải trả 539.000 đồng
trong tổng số tiền chụp ảnh là 1.011.700 đồng. Tôi xin hỏi, bệnh viện thực hiện
như vậy đúng hay sai? Vì sao tôi phải mất tiền?
Bác sĩ Lưu Thị Thanh
Huyền Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội
TP.HCM10:49 24/07/2017.
Thẻ của bạn được hưởng quyền lợi 100% và được BHYT thanh toán
100% chi phí theo mức viện phí quy định tại thông tư 37. Các khoản chi phí
ngoài quy định khác, BV phải giải thích cho người có thẻ BHYT đóng thêm.
Do đó, khoản phải đóng thêm của bạn cần phải liên hệ với bệnh viện để được giải
thích. BHXH TP cũng ghi nhận trường hợp này để yêu cầu BV giải thích và sẽ có
thông tin trả lời bạn sau.
---------------------------------------
Hoài Nam 10:37 24/07/2017
Bác sĩ cho tôi hỏi: Tôi đến BV quận Bình Thạnh mổ bướu mỡ. Bệnh
viện nói phẫu thuật không được bảo hiểm chi trả nên tôi phải đóng tiền 904.000
đồng, trên hóa đơn ghi phẫu thuật cắt bỏ u phần mềm. Tôi thấy trong máy
bác sĩ ghi là 1.000.000 dồng và nói tôi phải đóng tiền chênh lệch. Tôi xin mổ
trong tuần nhưng bác sĩ ngoại khoa nói nên mổ thứ 7 vì ít bệnh nhân. Xin hỏi vấn
đề của tôi như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng
Trưởng phòng giám định 1, Bảo hiểm xã hội TP.HCM10:53 24/07/2017
Phẫu thuật bướu mỡ được BHYT, trường hợp bạn mổ ngoài giờ hoặc
thứ 7, chủ nhật, bạn phải trả phần chênh lệch giữ giá nhà nước và giá dịch vụ
ngoài giờ. Để đảm bảo quyền lợi BHYT, bạn đề nghị bệnh viện xếp lịch mổ
trong giờ hành chính và theo chế độ BHYT cho bạn. Bạn có thể liên lạc về bảo hiểm
xã hội thành phố, số điện thoại: 028 3997 9016 để được tư vấn.
---------------------------------------
Minh Tâm 10:34 24/07/2017
Tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, có tập kết ra Bắc. Tôi là
thương binh. Thẻ BHYT của tôi khám chữa bệnh ban đầu ở BV Quận 4. Tuy nhiên,
tôi vô BV Q4 khám chữa bệnh thì lần nào cũng phải mất thêm tiền, không được
miễn phí 100%. Gần đây nhất là trước tết âm lịch, tôi tốn mất 700.000 đồng ở BV
Q4. Tại sao thẻ của tôi là HT2 mà vẫn phải mất tiền?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng Trưởng phòng giám định 1, Bảo hiểm xã hội TP.HCM11:04
24/07/2017
Trường hợp của ông là thẻ BHYT hưu trí, mang quyền lợi thứ 2 nên
ông sẽ được hưởng 100% chi phí theo phạm vi quyền lợi. Trường hợp ông khám chũa
bệnh ngoài giờ hành chính sử dụng các dịch vụ kỹ thuật được trang bị bằng
nguồn xã hội hóa thì ông vẫn phải thanh toán phần chênh lệch giữa giá viện phí
của nhà nước và giá dịch vụ.
---------------------------------------
Nguyễn Phi 10:08 24/07/2017
Khám chữa bệnh trái tuyến muốn thanh toán lại, xin hỏi các mức
được thanh toán là bao nhiêu? Xin cám ơn.
Bác sĩ Lưu Thị Thanh
Huyền Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội
TP.HCM10:26 24/07/2017
Từ năm 2016, thông tuyến huyện nên không có khám chữa bệnh tại
các BV tuyến huyện. Còn các BV tuyến tỉnh và tuyến trung ương chỉ được thanh
toán chi phí điều trị trái tuyến trong trường hợp điều trị nội trú tương ứng
là 60% đối với tuyến tỉnh và 40% đối với tuyến trung ương.
---------------------------------------
Xuân Mai 10:06 24/07/2017
Xin cho tôi hỏi mức đóng BHYT của người nước ngoài là bao nhiêu?
Có phải tham gia BHXH, BHYT cho người lao động nước ngoài hay không? (trường hợp
có hợp đồng lao động)
Bác sĩ Lưu Thị Thanh
Huyền Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội
TP.HCM10:22 24/07/2017
Theo Luật BHYT, người nước ngoài đang làm việc theo hợp đồng lao
động từ 3 tháng trở lên tại Việt Nam mới thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.
Mức đóng BHYT căn cứ theo tiền lương, phụ cấp lương được ghi trong hợp đồng
lao động. Trường hợp tổng mức tiền lương cao hơn 20 lần tiền lương cơ sở thì
đóng tối đa bằng 20 lần.
---------------------------------------
Thanh Lan 10:05 24/07/2017
Tôi thấy chủ đề buổi giao lưu có nói nếu mắc bệnh hiểm nghèo
BHYT sẽ đỡ gánh nặng viện phí. Xin bác sĩ Tuấn cho biết, BHYT sẽ đỡ cho bệnh
nhân ung thư cụ thể như thế nào?
TS.BS Diệp Bảo Tuấn Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM10:18 24/07/2017
Thông thường khi bệnh ung thư, người bệnh sẽ được chẩn đoán bằng
các phương tiện từ đơn giản như siêu âm, xét nghiệm máu... đến phức tạp, chi
phí lớn như CT Scan, MRI, PET-CT, nội soi bằng ống soi mềm, sinh thiết làm
giải phẫu bệnh hoặc xét nghiệm tìm đột biến gen... Sau đó, theo chẩn đoán, bệnh
nhân sẽ được điều trị phối hợp bằng các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa
trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch... với các chi phí rất tốn
kém. Mỗi tháng có thể tốn từ 70-100 triệu.
Nếu người bệnh có BHYT, tùy theo quyền lợi được hưởng (80%, 95%
hoặc 100%) thì số tiền phải trả chỉ còn dưới 14 triệu đồng.
Xin phép được nêu cụ thể một số trường hợp BHYT đã chi trả cho
người bệnh ung thư như sau:
Trường hợp 1: bệnh nhân Phạm Thị T. H (mức hưởng 95% BHYT). Bệnh
nhân được chẩn đoán là U Lympho. Tổng chi phí trong một tháng là hơn 115 triệu,
bệnh nhân chi trả khoảng 12 triệu đồng.
Trường hợp 2: Bé Lưu Quỳnh A. (mức hưởng 95% BHYT), bệnh nhân được
chẩn đoán bệnh bạch cầu. Tổng chi phí trong một tháng hơn 72 triệu. Gia đình bé
chỉ trả 3,8 triệu.
---------------------------------------
Huyền Linh 10:03 24/07/2017
Tôi bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về từ công ty, tôi
có thẻ BHYT thì có được BHYT cho trả đủ không? Những ngày nghỉ ốm có được thanh
toán tiền ốm không?
Bác sĩ Lưu Thị Thanh
Huyền Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội
TP.HCM10:16 24/07/2017
Bạn bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, chi phí điều trị
tai nạn được BHYT thanh toán theo quy định nếu bạn thực hiện đầy đủ thủ tục
khám chữa bệnh BHYT.
Còn tiền lương những ngày nghỉ ốm được thanh toán theo chế độ ốm đau hoặc nếu xác định đây là trường hợp tai nạn lao động, toàn bộ chi phí những ngày lương này do công ty của bạn chi trả.
Còn tiền lương những ngày nghỉ ốm được thanh toán theo chế độ ốm đau hoặc nếu xác định đây là trường hợp tai nạn lao động, toàn bộ chi phí những ngày lương này do công ty của bạn chi trả.
---------------------------------------
Hữu Hòa 09:57 24/07/2017
Mức tối đa chi phí khám chữa bệnh cho một lần là bao nhiêu?
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM10:33 24/07/2017
Chi phí khám chữa bệnh tùy thuộc vào từng loại bệnh, thời gian
điều trị và chi phí điều trị. Chi phí điều trị nội trú (nằm viện) khác chi phí
điều trị ngoại trú. Tùy trườnghợp cụ thể sẽ có chi phí khám chữa bệnh khác
nhau.
---------------------------------------
Hương Lan 09:49 24/07/2017
Tôi có đăng ký khám thai có thẻ BHYT ở bệnh viện quận Phú Nhuận
TP.HCM, nhưng tôi lại về quê ở Bà Rịa Vũng Tàu. Vậy tôi được BH chi trả chi phí
nằm viện bao nhiêu phần trăm?
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM10:10 24/07/2017
Bà Đinh Thị Liễu, trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế
TP.HCM, trả lời câu hỏi của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: HỮU KHOA
|
Nếu về Bà Rịa - Vũng Tàu bạn có thể đến bất kỳ BV tuyến huyện
nào trên địa bàn này để sinh và được hưởng toàn bộ chi phí theo quyền lợi ghi
trên thẻ. Trường hợp bạn đến BV tuyến tỉnh nếu là cấp cứu sẽ được hưởng toàn bộ
quyền lợi theo đúng quy định. Còn trường hợp không phải cấp cứu sẽ được hưởng
60% chi phí điều trị nội trú.
---------------------------------------
Lan Thanh 09:47 24/07/2017
Tôi được biết, thu nhập của cán bộ công nhân viên ngành y tế hiện
rất cao, nhất là khi thực hiện tự chủ tài chính, nhiều người thu nhập 40-50 triệu/
tháng. Vậy tại sao các bệnh viện vẫn tăng viện phí hoài vậy?
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM10:29 24/07/2017
Từ năm 2017 trở về trước, tiền lương nhân viên y tế do ngân sách
bao cấp trực tiếp cho tất cả người bệnh, kể cả người có thu nhập cao. Đến nay,
ngân sách không bao cấp nữa mà chuyển qua quỹ BHYT và người bệnh phải chi
trả thông qua việc điều chỉnh viện phí (cộng thêm tiền lương). Phần ngân sách
này chuyển sang hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm và hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho
các đối tượng như hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, trẻ
em dưới 6 tuổi.
Tổng thu nhập của nhân viên y tế bao gồm tiền lương và thu nhập
tăng thêm. Tiền lương là khoản bắt buộc phải chi trả. Thu nhập tăng thêm là do
bệnh viện có chênh lệch thu > chi do có bệnh nhân đông và sử dụng chi phí hiệu
quả. Một số bệnh viện tự chủ có thu nhập cao do số lượng người khám chữa bệnh
nhiều.
---------------------------------------
Nhã Lan 09:45 24/07/2017
Gia đình tôi thuộc hộ nghèo nhưng vẫn chưa được cấp thẻ BHYT.
Xin hỏi, khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện có được xét miễn giảm viện phí
không?
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM10:11 24/07/2017
Theo quy định, hộ nghèo sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí. Khi đi
khám chữa bệnh tại các bệnh viện, người thuộc hộ nghèo sẽ được quỹ bảo hiểm
thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh và ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 5%
chi phí còn lại. Như vậy, người nghèo không phải chi trả chi phí khám chữa bệnh
khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến.
Nếu gia đình bạn thuộc hộ nghèo nhưng vẫn chưa được cấp thẻ thì
bạn liên hệ Phòng Lao động Thương binh Xã hội tại địa phương để được cấp thẻ.
Trong thời gian chưa được cấp thẻ, nếu gia đình thuộc diện hộ nghèo thì bạn làm
đơn xin miễn giảm chi phí khám chữa bệnh gửi bệnh viện nơi bạn đang điều trị để
được xét miễn giảm (có xác nhận hộ nghèo của địa phương).
---------------------------------------
Nguyen Hue Anh 09:44 24/07/2017
Ba tôi đang khám và điều trị tại BV Truyền máu Huyết học TP.HCM.
Theo quy định mới, tiền khám của ba tôi sẽ tăng bao nhiêu? Tiền thuốc tăng bao
nhiêu? Tôi cảm ơn!
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM10:02 24/07/2017
Theo quy định, tiền khám bệnh của Bệnh viện Truyền máu Huyết học
TP.HCM tăng từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng. Trường hợp người bệnh chọn khám chữa
bệnh theo yêu cầu thì phải đóng theo mức giá niêm yết của bệnh viện. Nếu
người bệnh có BHYT thì chỉ đóng mức chênh lệch giữa giá khám chữa bệnh theo yêu
cầu và giá BHYT, tức là được trừ đi 39.000 đồng.
Quy định tăng giá khám chữa bệnh không ảnh hưởng đến tiền thuốc.
Người bệnh phải trả tiền thuốc theo giá mua vào của bệnh viện (theo kết quả đấu
thầu thuốc của bệnh viện).
---------------------------------------
---------------------------------------
Hoàng Nhi 09:23 24/07/2017
Thưa bác sĩ, khi viện phí tăng thì dịch vụ chăm sóc cho bệnh
nhân ung thư có được cải thiện theo giá tăng đó không? Đặc biệt là bệnh nhân
ung thư có BHYT như chúng tôi. Xin cám ơn.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM09:37 24/07/2017
Thông tư Liên tịch 37 quy định giá viện phí dành cho đối tượng
hưởng BHYT có thay đổi so với trước đây do cộng thêm lương và phụ cấp của nhân
viên y tế vào viện phí. Việc cải thiện chất lượng điều trị luôn được Ban
lãnh đạo Bệnh viện Ung Bướu đặt lên hàng đầu chứ không phụ thuộc vào viện phí
thay đổi hay không.
Đối với bệnh nhân ung thư có BHYT sẽ có nhiều cơ hội được điều
trị đầy đủ các liệu trình hơn (do quỹ BHYT chi trả phần lớn viện phí). Do
đó, người bệnh ung thư có BHYT sẽ có nhiều lợi thế hơn.
---------------------------------------
Le Chi Pham 09:15 24/07/2017
Nhà tôi thuộc diện cận nghèo, dù BHYT đã được giảm giá nhưng tôi
vẫn không thể mua. Vậy có cách nào để được miễn phí không?
Bác sĩ Lưu Thị Thanh
Huyền Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội
TP.HCM09:21 24/07/2017
Nhà thuộc diện nghèo và cận nghèo thuộc đối tượng nhà nước hỗ trợ.
Bạn liên hệ với UBND xã, Phường, Thị trấn để xem xét nhé !
---------------------------------------
Luong ba kiem 08:55 24/07/2017
Người nghèo được thẻ bảo hiểm y tế miễn phí do địa phương cấp.
Người lao động vất vả làm giàu mà không được thì bất công quá. Tôi mong giá thẻ
thấp hơn nữa mới 100/100 người tham gia thẻ y tế
Bác sĩ Lưu Thị Thanh
Huyền Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM09:09
24/07/2017
Bạn nói chưa rõ. Thẻ BHYT nhà nước cấp cho người nghèo theo
chính sách của đảng và nhà nước. Còn bạn là người lao động có ký hợp đồng lao động
với công ty thì bạn và người chủ doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm tham
gia BHYT. Mức đóng hiện nay là thấp so với chi phí một lần nếu bạn không có thẻ
BHYT đi K CB. Mức tham gia BHYT bằng 4,5% mức lương, trong đó người lao động
đóng 1,5%, người chủ sử dụng lao động đóng 3 %.
---------------------------------------
Hữu Long 08:51 24/07/2017
Xin hỏi bà Liễu, tôi nghe nói đợt tăng viện phí này ở TP.HCM
chưa phải là lần cuối cùng, mà từ đây đến năm 2020 mỗi năm sẽ còn tăng thêm nữa,
điều này có đúng không? Nếu đúng, bà cóthể cho biết lộ trình tăng như thế nào?
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM09:38 24/07/2017
Đợt tăng viện phí này chưa phải là lần cuối cùng. Theo lộ trình
tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh của Chính phủ thì năm 2017 sẽ tính đủ chi phí
trực tiếp và tiền lương; đếnnăm 2018 sẽ tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương
và cộng thêm chi phí quản lí (chi phí của các bộ phận gián tiếp, chi phí đào tạo,
nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí khác); đến năm 2020 sẽ cộng
thêm chi phí khấu hao.
---------------------------------------
Quang Dũng 08:48 24/07/2017
Xin bác sĩ cho biết: nếu bị bệnh nan y mà có BHYT sẽ có lợi như
thế nào? Thường một loại bệnh ung thư phải điều trị bao lâu và tốn khoản bao
nhiêu tiền viện phí trong một tháng? Nếu cóBHYT thì sẽ được chi trả bao nhiêu?
TS.BS Diệp Bảo Tuấn Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM08:58 24/07/2017
Ung thư mà một loại bệnh nan y. Việc chẩn đoán và điều trị rất tốn
kém vì phải dùng nhiều phương tiện hiện đại cũng như nhiều phương pháp mắc tiền.
Việc có bảo hiểm y tế (BHYT) là một lợi thế rất lớn cho người
bệnh ung thư. Người bệnh ung thư có BHYT sẽ dễ dàng tuân thủ các phương pháp điều
trị hơn (do quỹ BHYT chi trả viện phí) nên khả năng điều trị khỏi bệnh cao hơn.
Chi phí điều trị bệnh ung thư tùy thuộc vào loại bệnh, giai đoạn
bệnh. Ví dụ: để điều trị ung thư hạch, chi phí hóa trị trong một tháng khoảng
70-100 triệu. Nếu có BHYT, người bệnh sẽ được chi trả từ 80-100% (người bệnh sẽ
chỉ trả dưới 14 triệu)
---------------------------------------
Mai Lan 08:41 24/07/2017
Tôi muốn hỏi viện phí tăng thì cụ thể tiền khám bệnh của các
nhóm bệnh viện là bao nhiêu? Như tôi, đăng ký khám bệnh ban đầu ở bệnh viện đa
khoa Sài Gòn thì tiền khám bao nhiêu? Trường hợp tôi xin chuyển về bệnh viện
Quận 1 thì giá khám bệnh có rẻ hơn không?
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM09:33 24/07/2017
Tiền khám bệnh của bệnh viện hạng 1 tăng từ 20.000 đồng lên
39.000 đồng. Tiền khám bệnh của bệnh viện hạng 2 tăng từ 15.000 đồng lên 35.000
đồng. Tiền khám bệnh của bệnh viện hạng 3 tăng từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng.
Tiền khám bệnh của bệnh viện chưa được xếp hạng tăng từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng.
Tiền khám bệnh tại trạm y tế tăng từ 5.000 đồng lên 29.000 đồng.
Nếu bạn khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, bạn phải
đóng tiền khám bệnh là 35.000 đồng. Nếu bạn chuyển về Bệnh viện Quận 1, bạn chỉ
đóng 31.000 đồng.
---------------------------------------
Thạch Lam 08:33 24/07/2017
Vừa qua, bệnh viện chúng tôi được biết vẫn chưa được điều chỉnh
tăng viện phí từ 1-8. Xin hỏi đợt điều chỉnh tăng viện phí ở các bệnh viện sẽ
như thế nào?
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM09:08 24/07/2017
Tại kì họp lần thứ 5 khóa IX, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã thông
qua tờ trình quy định giá khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của
BHYT. Theo đó, đối với các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị tự bảo đảm chi
thường xuyên sẽ được thực hiện từ ngày 1-8-2017. Các cơ sở khám chữa bệnh còn lại
thực hiện từ ngày 1-10-2017. Mức thu được thực hiện trên 100% khung giá của
Thông tư 02/2017/TT-BYT.
Mức giá khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán BHYT gồm
chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư, điện, nước, chất thải, duy tu, bảo
dưỡng) và tiền lương.
Như vậy, từ 1-8-2017, giá khám chữa bệnh BHYT và giá khám chữa bệnh
không BHYT đã được cộng tiền lương của nhân viên y tế và hai giá này là như
nhau.
Việc điều chỉnh giá lần này hướng tới sự bình đẳng về giá không
phân biệt giũa giá khám chữa bệnh của người bệnh không có BHYT và người bệnh có
BHYT trong cùng một cơ sở khám chữa bệnh, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân và đẩy
nhanh quá trình tự chỉ của các cơ sở y tế công lập.
---------------------------------------
Lam Xuân 08:29 24/07/2017
Chào chị, được biết trong thời gian tới các bệnh viện sẽ tăng viện
phí. Chị có thể cho biết mức tăng là bao nhiêu? Thời gian áp dụng mức phí mới
này?
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM09:20 24/07/2017
Mức tăng bình quân kì này từ 20-30%, một số ít tăng gấp đôi. Cụ
thể, tiền khám bệnh của bệnh viện hạng 1 tăng từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng;
siêu âm tăng từ 35.000 đồng lên 49.000 đồng; chụp phim tăng từ 58.000 đồng
lên 69.000 đồng. Việc điều chỉnh giá kì này không phải là tăng chi phí mà là
chuyển tiền lương của nhân viên y tế từ nhà nước chi trả sang cho người bệnh
chưa tham gia BHYT chi trả.
Thời gian thực hiện từ ngày 1-8-2017 đối với các cơ sở khám chữa
bệnh là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên. Các cơ sở khám chữa bệnh còn lại thực
hiện từ ngày 1-10-2017. Mức thu được thực hiện trên 100% khung giá của
Thông tư 02/2017/TT-BYT.
---------------------------------------
Việt 08:21 24/07/2017
Tôi bị viêm gan B mạn tính, 6 tháng đi kiểm tra định kỳ một lần
bao gồm xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng... Tôi vẫn phải chi trả một phần mặc dù
bảo hiểm đúng tuyến (bảo hiểm y tế doanh nghiệp). Khi tôi đề nghị nội soi
bao tử, đại tràng thì bệnh viện yêu cầu phải đóng phí vì BHYT không chi trả có
đúng không? Cơ quan bảo hiểm cần có 1 danh mục các loại bệnh và mức chi trả cụ
thể để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng Trưởng phòng giám định 1, Bảo hiểm xã hội TP.HCM09:01
24/07/2017
Bạn không nói rõ cơ sở khám chữa bệnh mà bạn đến khám chữa bệnh.
Trường hợp bạn đến khám chữa bệnh tại các cơ sở tư nhân, các cơ sở khám chữa bệnh
công lập có sử dụng máy móc, thiết bị xã hội hóa thì bạn phải trả phần chệnh
lệch giữa giá viện phí của nhà nước và cơ quan giá của cơ sở khám chữa bệnh xây
dựng.
Trường hợp bạn yêu cầu thêm dịch vụ kỹ thuật ngoài chỉ định của
bác sỹ, bạn phảI tự chi trả chi phí của dịch vụ đó.
Bạn có thể tham khảo danh mục dịch vụ kỹ thuật BHYT chi trả tại Thông
tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; Thông tư
40/2014/tt-byt về việc ban hành danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh tán
quỹ bảo hiểm y tế ;Thông tư 05/2015/TT-BYT Danh mục thuốc đông
y thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Thông tư
04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 Ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán
đối với vật tư y tế.
---------------------------------------
Nguyễn Quốc Hữu 04:24 24/07/2017
1-Do thời gian chờ thẻ quá lâu, tại sao phải đợi có thẻ mới được
bảo hiểm? Có thể nào sau khi có phiếu thu tiền (nên làm hợp đồng) bảo hiểm một
thời gian 1 tuần thì hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực?
2-Mục đích bảo hiểm toàn dân: Cứu dân là chính. Vậy tại thời điểm
phát hiện bệnh nặng nên chăng cho người dân nghèo có thể đóng một mức phí cao
hơn bình thường (ví dụ gấp 50 đến 100 lần...) để được bảo hiểm?
Bác sĩ Lưu Thị Thanh
Huyền Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM09:34
24/07/2017
Theo Luật BHYT quy định đối với một số đối tượng: hộ gia đình, học
sinh, sinh viên, cận nghèo... tham gia BHYT lần đầu hoặc gián đoạn quá 3 tháng
trong năm dương lịch thì thẻ BHYT có giá trị sau 30 ngày kể từ ngày đóng
tiền. Vì vậy, để quyền lợi BHYT được liên tục thì người có thẻ cần đóng tiền tiếp
theo trước khi thẻ BHYT cũ hết hạn.
---------------------------------------
An Nguyễn 00:52 24/07/2017
Việc tăng viện phí đối với người không có BHYT có làm tăng số
người có bệnh tham gia BHYT, từ đó tăng gánh nặng chi trả cho đơn vị BH không?
BHXH sẽ giải quyết gánh nặng tăng lên nàynhư thế nào? Có tăng phí đóng BHYT hay
tăng mức đồng chi trả không?
Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM08:45 24/07/2017
- Khi tăng viện phí, để giảm gánh nặng về tài chính thì người bệnh
chưa có bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ mua BHYT. Như vậy, số người tham gia BHYT sẽ
tăng, dẫn đến quỹ BHYT sẽ tăng theo. Đây không phải là gánh nặng của quỹ
BHYT mà quỹ BHYT mang tính nhân văn là người bệnh nhẹ chia sẻ cho người bệnh
nặng; người không có bệnh chia sẻ cho người có bệnh.
- BHXH và Sở Y tế tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa
bệnh BHYT. Cơ sở y tế sử dụng hợp lí và hiệu quả quỹ BHYT. Người bệnh chỉ đi
khám chữa bệnh khi thực sự có bệnh. Quỹ BHYT chỉ thực sự hiệu quả khi cả 3 bên cơ
quan BHYT, cơ sở y tế và người bệnh sử dụng đúng mục đích của quỹ
BHYT.
- Hiện nay, Chính phủ chưa tăng mức đóng BHYT và mức đồng chi trả
của người tham gia BHYT.
---------------------------------------
Mời bạn đọc đón xem Phần 2: CÁCH THỨC MUA BHYT
---------------------------------------
Mời bạn đọc đón xem Phần 2: CÁCH THỨC MUA BHYT