“Bảo hiểm y tế toàn dân,
thông tuyến và tăng giá đã tạo một cơ hội lớn chưa từng có cho lĩnh vực khám
chữa bệnh tại Việt Nam. Nhu cầu tăng, doanh thu tăng trong khi nguồn cung (các
cơ sở y tế) vẫn chưa đáp ứng kịp. Các cơ sở y tế tư nhân có tham gia KCB BHYT đang
củng cố nội lực, khai thác thế mạnh để tận dụng tốt nhất cơ hội này. Các cơ sở
chưa tham gia, tùy mô hình hoạt động sẽ chọn một chiến lược thích ứng theo sự
thay đổi của môi trường.
Những sự thay đổi cơ bản của BHYT đã đặt toàn thể hệ thống khám
chữa bệnh trong tư thế đón nhận và thực hiện cái mới với những bất cập cần phải
khắc phục từng ngày. Dù là y tế công hay y tế tư nhân vẫn luôn chịu những áp lực
lớn từ công việc khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh áp lực chuyên môn luôn là một đặc
thù của ngành y, trong thời của internet và mạng xã hội, sự than phiền của bệnh
nhân và thân nhân cũng tạo ít nhiều căng thẳng cho nhân viên y tế. Đồng thời,
bài toán khống chế sự bội chi, Bộ Y tế, BHXH, và từng cơ sở y tế cùng nhau giải,
quá trình này gắn với trách nhiệm cao luôn tạo một áp lực lớn cho nhiều bộ phần
khác nhau, áp lực lớn nhất vẫn thuộc về khối thực hành y khoa.
Cơ hội lớn mở ra, đồng
thời các cơ sở y tế tư nhân cũng đối diện với những thách thức lớn hơn. Để tham
gia thành công trong KCB BHYT, bài toán vẫn xoay quanh các vấn đề cơ bản như:
nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc và công nghệ, chất lượng khám chữa
bệnh, quản lý điều hành, quản lý mối quan hệ với cộng đồng, quản lý tài chính,
… Để hạn chế được tình trạng xuất toán, việc kiểm soát nội bội và thể hiện cảnh
báo bằng các KPI nên được thiết lập, sự kiểm soát này để đảm bảo sự phù hợp từ
chuyên môn cho đến tài chính, hạn chế tối thiểu những rủi ro. Để việc KCB BHYT
mang lại lợi ích cho cơ sở y tế không chỉ có một con đường là khai thác tối đa
dịch vụ kỹ thuật để tăng doanh thu và phải mang tiếng xấu, trên thực tế vẫn có
nhiều cách làm chân chính để thành công, trong đó, vấn đề quan trọng là quản lý
tài chính song hành với quản lý chuyên môn. Thiết lập các mục tiêu tài chính
trong KCB BHYT không phải xuất phát từ mong
muốn chủ quan, muốn biết các chỉ số cần đạt được như thế nào thì phải thông qua
một quá trình phân tích, đánh giá trong một thời gian với những số liệu thực
của cơ sở y tế. Phân tích các chỉ số tài chính như: dòng tiền phụ thu, dòng
tiền mặt thu được, dòng tiền BHYT chi trả theo định kỳ, chi phí bình quân 1 lần
KCB ngoại trú, nội trú … để đánh giá, cảnh báo sớm và đưa ra các giải pháp phù
hợp. Xây dựng bảng giá và các mức thu chênh lệch như thế nào, câu trả lời nằm
trong hoạch định tài chính của mỗi cơ sở
y tế. Công việc phân tích, hoạch định và kiểm soát tài chính trong các cơ sở y
tế tư nhân rất quan trọng nhưng nhiều cơ sở chỉ thực hiện công việc chủ yếu của
kế toán, đây là một điểm yếu cần phải khắc phục.” (Trích trong chương VII “Y Tế Tư
Nhân Sẽ Phát Triển Như Thế Nào Trong Bối Cảnh BHYT Toàn Dân” - Tài liệu nghiên
cứu thị trường “Tổng Quan Cung Cầu KCB Toàn Quốc – Góc Nhìn Từ Thực Tiễn BHYT
Toàn Dân)
Saigon, 16/06/2017
Bs Phùng Thị Hồng Thắm
_____________________
Tài liệu nghiên cứu thị trường “TỔNG QUAN CUNG CẦU KCB TOÀN QUỐC - GÓC NHÌN TỪ THỰC TIỄN BHYT TOÀN DÂN”, khoảng 60 trang A4 dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6/2017.
_____________________
_____________________