TÌNH THƯƠNG TRONG HÀNH ĐỘNG* - Phùng Thắm

Vietnam Carenet: Tài Liệu 2016

Đây là một trong những bài viết trong một chuỗi bài viết về chủ đề “Các mối quan hệ của môt cơ sở y tế tư nhân”. Bài viết “Tình thương trong hành động” là sự cảm nhận qua câu nói của Mẹ Teresa, bài viết đặc biệt dành cho những đồng nghiệp trẻ mới bước vào nghề y và những nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vục y tế.

Ẩn sâu bên trong sự hài lòng là sự “được nhiều hơn” hay “được ít hơn” của một phép so sánh giữa lòng mong đợi và sự trải nghiệm của bệnh nhân. Lòng mong đợi đã có trong tâm tưởng của bệnh nhân trước khi sử dụng dịch vụ y tế, còn sự trải nghiệm là những cảm nhận xảy ra trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ. Cơ sở y tế không thể nào tập trung vào việc làm giảm sự mong đợi của bệnh nhân để tăng sự hài lòng, nhưng có thể làm gia tăng sự trải nghiệm tích cực của khách hàng. Tối ưu sự trải nghiệm sẽ làm gia tăng sự hài lòng; ẩn bên trong sự trải nghiệm của người bệnh chính là sự kết nối bởi tình thương và sự thấu cảm. Thật vậy, mưu sinh là quan trọng nhưng không phải là mục đích sau cùng của những người thầy thuốc, người thầy thuốc cũng không phải trình diễn những kỹ năng để chứng tỏ hơn người; tấm lòng, sự tận tụy và trí tuệ của người thầy thuốc vượt hơn những điều bình thường đó. Tất cả những kỹ thuật hiện đại nhất mà con người đang có chính là sự thấu cảm tuyệt vời nhất đối với nỗi đau bệnh tật của con người, để từ đó con người khám phá ra những phương pháp nhiệm mầu.



Người thầy thuốc và nhà đầu tư y tế chân chính khởi đầu sự nghiệp từ tấm lòng yêu thương con người, ở đó là sự dấn thân để phục vụ con người hơn là vì lợi ích riêng tư. Nghề y đã đặt những người hành nghề, kể cả nhà đầu tư trong vị thế có một phần hy sinh. Khoảng cách giữa sự mong đợi của bệnh nhân và sự đáp ứng của cơ sở y tế có sự khác biệt so với mua bán các loại sản phẩm hay dịch vụ trong các ngành khác. Vì sao có sự khác biệt đó, và vì sao nhân viên y tế bất kỳ nơi nào trên thế giới này đều chịu áp lực rất lớn khi hành nghề, đặc biệt là nhóm bác sĩ? Nội dung được khắc họa bên dưới là phần trả lời cho câu hỏi này.


Sự mong đợi quá lớn từ bệnh nhân và người thân đã tạo cho đội ngũ y khoa một áp lực cao trong công việc, trong khi kỹ thuật luôn có giới hạn, tình thương có thể nào bao la hơn để vượt qua được những phút giây sinh tử của tạo hóa? Vượt qua được những thử thách này, đó là niềm hạnh phúc cho bệnh nhân, thân nhân và những người áo trắng. Những người chánh đạo luôn hiểu đúng lý do vì sao chọn nghề y, và vì sao đầu tư vào y tế mà không phải lĩnh vực khác, nếu nguyện vọng của cá nhân không có mâu thuẫn với sứ mệnh của nghề y thì sự trải nghiệm, sự rèn luyện sẽ giúp người hành nghề và cơ sở y tế vượt qua những khó khăn.

Trong môi trường mà ngành y được vận hành hợp lý và hiệu quả, người thầy thuốc không phải lo toan kiếm sống, bởi giá trị của công sức và trí tuệ luôn được trả xứng đáng, trong môi trường đó, đội ngũ y khoa có danh dự và tỏa sáng. Ngược lại, nếu hệ thống  y tế vận hành kém, thì các giá trị đều bị ảnh hưởng, việc sửa lỗi hệ thống là việc cần làm hơn là để hai bên tự bù đắp giá trị cho nhau, giữa một bên là bệnh nhân (cộng đồng) và một bên là y bác sĩ (đội ngũ y khoa). Nâng cao tính nhân văn trong môi trường y tế phải bắt nguồn từ một hệ thống tốt, không nên chỉ là những phong trào hay những tờ cam kết. Trong một hệ thống vận hành kém và thiếu giải pháp, những phong trào kêu gọi thầy thuốc vì bệnh nhân mà phục vụ, hay đội ngũ y khoa kêu gọi cộng đồng đừng làm phức tạp vấn đề y tế trên truyền thông nữa, những viêc làm đó, dù rầm rộ nhưng hiệu quả không như mong muốn.

Sự đánh cắp hoặc tự đánh mất các giá trị của nghề y trong nhiều cấp độ từ cá nhân đến tổ chức, từ thấp đến cao, từ vi mô đến vĩ mô sẽ vùi lắp một ngành nghề cao quý xuống tầng thấp trong tầm nhìn của xã hội. Làm sao để khơi nguồn và tìm lại sự tỏa sáng là nỗi niềm của những người có lương tri. Sự hài lòng có được từ hai phía không phải là sự đòi hỏi hay cam kết mà chính là sự trải nghiệm tuyệt vời mà con người dành tặng cho nhau. Từ trong bản chất của dịch vụ y tế, bệnh nhân là trung tâm trên con đường chánh nghiệp và tinh tấn của nghề y, viễn cảnh đó thật đẹp, nhưng làm sao để đi trên đó? Một câu nói của Mẹ Teresa: “Đó không phải là chúng ta cho bao nhiêu, mà là bao nhiêu yêu thương chúng ta đặt vào công việc – đó chính là tình thương trong hành động”*, ước gì câu nói này không những thấm trong từng hành động của nhân viên y tế mà còn được hành động từ người lãnh đạo cao nhất của ngành và của một quốc gia. Khi có tình thương, trí tuệ cũng sẽ nở hoa, vì sự dấn thân và cống hiến của những người làm trong lĩnh vực y tế, nghề y xứng đáng được trân trọng trong sự cảm mến của cộng đồng.

12.08.2016
Bs Phùng Thị Hồng Thắm

* “It’s not how much we give, but how much love we put in the doing – that Compassion in action”  - Teresa.