Y TẾ TƯ NHÂN: 15 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG – KỲ 3 – Phùng Thắm

Vietnam Carenet: Tài Liệu 2012

Một số xu hướng của bệnh viện tư nhân

Xu hướng đầu tư y tế tư nhân

Sau một thời gian phát triển nhanh về số lượng và loại hình bệnh viện tư, hiện nay, tại thành phố HCM khuynh hướng này chậm lại (12) , và sẽ bảo hòa trong một thời gian ngắn sắp tới. Một số bệnh viện có thể bị thu hẹp hoặc giảm hạng do điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất (13), hoặc tăng cường liên kết và hợp tác giữa các bệnh viện. Các tập đoàn y khoa nước ngoài tiếp tục đầu tư mới hoặc mua lại các cơ sở y tế tư nhân trong nước (14)

Xu hướng khách hàng

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tiếp tục tăng, đặc biệt tầm soát và dự phòng bệnh (15) . Thanh toán chi phí khám chữa bệnh chủ yếu thông qua bảo hiểm y tế và bảo hiểm sức khỏe, sau năm 2014 ước tính 80% người dân có thẻ BHYT, riêng tại TP.HCM ước tính có khoảng 90% người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh. Sự lựa chọn nơi khám chữa bệnh dựa trên các yếu tố như: chất lượng chuyên môn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, dễ tiếp cận và tiết kiệm thời gian. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt internet, người dân ngày càng có nhiều thông tin hơn về các cơ sở khám chữa bệnh và hiểu biết sâu hơn về chuyên môn, do vậy xuất hiện thêm một kênh giám sát từ cộng đồng bên cạnh sự giám sát của ngành và các cơ quan chức năng.

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt

Trong lĩnh vực y tế tư nhân, các tập đoàn y khoa nước ngoài có thế mạnh về vốn, chuyên môn kỹ thuật, công nghệ, thương hiệu và quản trị công ty (19) , do đó các bệnh viện trong nước ngày càng cạnh tranh khó khăn hơn. Mặt khác, y tế tư nhân tiếp tục được đầu tư và phát triển bao phủ các tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương (20)

Đối với y tế công, nhà nước tiếp tục nâng cấp và phát triển cơ sở khám chữa bệnh công lập (21),  đặc biệt khu khám kỹ thuật cao và khu khám bệnh theo yêu cầu ngay trong các cơ sở y tế công lập, các khu khám này cạnh tranh trực tiếp với các bệnh viện tư.

Luật khám chữa bệnh đi vào thực tế: các bệnh viện tư nhân phải tuân thủ các tiêu chí hành nghề và chịu sự tái giám định định kỳ trong các hoạt động chuyên môn đã đăng ký, điều này tạo một áp lực không nhỏ cho ban lãnh đạo bệnh viện trong tình hình thiếu nhân lực để đảm bảo trình độ chuyên môn và điều kiện hành nghề.

Chính sách bảo hiểm y tế

Tác động của tăng giá viện phí vừa là tín hiệu tích cực vừa là thách thức
Sự giám sát chặt chẽ của cơ quan bảo hiểm y tế (24) trong thời gian tới buộc các các cơ sở y tế phải tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật, dược và các nghiệp vụ kế toán.
Sự tăng giá các dịch vụ, kỹ thuật (25) sắp tới sẽ làm gia tăng doanh thu bình quân trên một lần khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bù đắp được các chi phí hoạt động và có lợi nhuận.
Tuy nhiên, trong khi quỹ bảo hiểm y tế chưa tăng tương ứng, bảo hiểm y tế sẽ đối diện với nguy cơ vỡ quỹ (26), đồng thời, việc tăng giá viện phí cũng làm tăng chi tiền mặt của bệnh nhân cho mỗi lần khám chữa bệnh, do đó các cơ sở y tế tư nhân cần tính toán lại các khoản phụ thu hay thu chênh lệch.
Tác động tích cực của bảo hiểm y tế toàn dân từ 2014 là thời cơ của xu hướng cộng đồng
Các bệnh viện hoạt động theo mô hình hướng cộng đồng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trong khi các bệnh viện định vị cho người có thu nhập cao, bệnh nhân hoàn toàn chi trả bằng tiền túi, sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế chưa thoát khỏi suy thoái và phân khúc khách hàng chi hoàn toàn bằng tiền túi ngày càng thu hẹp.

Chiến lược và quản trị chiến lược

Trước các chuyển biến mới trong lĩnh vực khám chữa bệnh từ vi mô đến vĩ mô, các bệnh viện tư cần thiết phải có chiến lược đúng và các kế hoạch hành đồng thích hợp để tồn tại, tối ưu hóa mô hình và phát triển bền vững. Đặc biệt, hệ thống quản lý bệnh viện tư phải nâng tầm quản trị công ty dựa vào các nguyên lý quản trị hiện đại như: BSC, KPI, năng lực động, và quản trị thương hiệu.
Bệnh viện tư nên xác định rõ nét danh mục đầu tư và tái đầu tư các chuyên khoa, xác định các chuyên khoa thế mạnh để tập trung phát triển. Các bệnh viện tư nên tìm cách vượt qua các rào cản để hình thành các liên kết và hợp tác giữa phòng khám đa khoa tư nhân – bệnh viện tư nhân, bệnh viện tư nhân – bệnh viện tư nhân, bệnh viện tư – bệnh viện công.
Nên nâng tầm quản trị nhân sự hướng đến giải quyết thỏa đáng mối quan hệ lao động để hai bên cùng có lợi, thực hiện đầy đủ các cam kết từ hai phía bao gồm: lương, thưởng, công việc và các chế độ khác. Đội ngũ chuyên môn, đặc biệt tại các chuyên khoa sâu, nên được quan tâm huấn luyện nội bộ và gửi đào tạo bên ngoài hoặc hợp đồng với các Bác sĩ , điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên khoa sâu từ bên ngoài nhằm đảm bảo có đội ngũ kế thừa và hoạt động liên tục.
Quản trị tài chính kế toán tại các cơ sở y tế tư nhân cần phải thay đổi tư duy từ lãnh đạo cấp cao đến thực hành của các nhân viên, công tác quản lý tài chính kế toán yêu cầu phải có cán bộ và chuyên viên tài chính, kế toán có năng lực, tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả nhất. Bệnh viện phải xác định các KPI, các báo cáo với các số liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, đảm bảo là các giá trị thực để phân tích, đánh giá từ đó ra các quyết định đúng. Ban lãnh đạo các công ty bệnh viện đã niêm yết phải quản trị công ty hiệu quả để sẵn sàng công bố báo cáo tài chính hàng năm ra công chúng.
Chiến lược marketing phải nhất quán với sứ mệnh, tầm nhìn, nguồn lực, kế hoạch hoạt động hiện tại và định hướng phát triển trong tương lai. Hàng năm, bệnh viện phải có kế hoạch marketing và các chương trình hành động cụ thể: gắn kết danh mục dịch vụ cần phát triển với nhân lực, ngân sách marketing, thiết kế chương trình chuyên biệt, phương án triển khai và duy trì các hoạt động sau đó.

Tháng 3/2012
Tác giả: Bs Ths Phùng Thị Hồng Thắm

Bài viết tiếp theo


------------------------------------------------------------------------------------
 LẬP DỰ ÁN PHÒNG KHÁM ĐA KHOA (PHIÊN BẢN 2)
------------------------------------------------------------------------------------