CUNG VÀ CẦU: CÁI NÀO CÓ TRƯỚC?

Viết cho các Startup 03/08/2018
Người viết: Phùng Thị Hồng Thắm
“Hãy tìm hiểu thị trường trước khi đầu tư thiết kế sản phẩm” là câu thường được nghe nói. Tư duy đó đúng nhưng không chỉ đơn thuần như vậy, cũng không chỉ từ một phía, nếu như thế sẽ bị chậm và trễ. 
Bởi vì, nhiều nơi trên thế giới luôn có các nguồn tài nguyên được tích lũy sẵn, các dòng giá trị “đang tồn kho” và những dòng giá trị đang lưu chuyển, những dòng giá trị mới đang hình thành; các chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn khuynh đảo trong nhiều ngành nghề, và bây giờ có các hệ sinh thái phát triển thần kỳ; và nhiều cộng đồng khởi nghiệp trên thế giới có một bề dầy lịch sử về nghiên cứu thị trường, họ đang hiểu thị trường rất sâu sắc. Sẽ không còn kịp để chờ ai đó, cho ai đó có cơ hội suy nghĩ và nghiên cứu. Nhưng điều tiên quyết vẫn là suy nghĩ, nghiên cứu thị trường và sáng tạo, người khởi nghiệp phải làm điều đó từ lúc nào? Chắc chắn mọi thứ không phải bắt đầu từ lúc có kết quả nghiên cứu thị trường như suy nghĩ thông thường và những gì đã đúng trong quá khứ. Triết lý con gà và quả trứng cái nào có trước cái nào và điểm tương giao tại đâu và lúc nào, bối cảnh lúc đó ra sao?
Người khởi nghiệp nên có viễn kiến về tài nguyên, dòng giá trị (có chứa cái phôi của sản phẩm) và hệ sinh thái của chính mình để từ rất sớm, từng bước tạo lập và phát triển, đồng thời biết tiên đoán các biến chuyển về chất và lượng của nhu cầu, biết những phần tĩnh và phần động. Hình dung tại các nút gặp nhau giữa cung và cầu, đó là sự tương thích, và giao dịch sẽ diễn ra. Thuật ngữ ở đây là “điều chỉnh cho đến khi tương thích” và “chuẩn bị mọi thứ để cuộc gặp diễn ra tốt đẹp”. Đó là tầm nhìn của nhà khởi nghiệp, khát vọng đó chớm từ rất lâu, chính là lúc khởi tạo ra “cung”, không ngừng phát triển cho đến lúc sẽ hội tụ cùng “cầu”, và quả sẽ được sinh ra từ đây. Nếu chỉ là nghiên cứu thị trường, sau đó tìm cách tạo ra sản phẩm thì rất lâu và trễ; hoặc tìm mua bản quyền, tìm mua các phôi của sản phẩm, lúc đó sẽ là hướng của nhà đầu tư sinh lời, những doanh nhân thương trường hoặc của các công ty đã trưởng thành hơn là những nhà khởi nghiệp thực thụ.
Triết lý cung cầu rất thâm sâu, phương trình đó có 2 vế nối với nhau bởi dấu bằng, tại lúc đó 2 phương hội tụ cùng nhau, nhưng tại những nút tương giao của cung và cầu lại là sự hội tụ cùng nhau không chỉ là 2 phương mà thật sự là đa phương (các bên trung gian thanh toán, các nhà cung cấp công nghệ, kỹ thuật, viễn thông, …). Triết lý cung cầu đã dịch chuyển vào một hệ quy chiếu mới, đó là nền tảng kết nối và hệ sinh thái trong nền công nghiệp 4.0, với các thuật ngữ “quả trứng và con gà”, “điều chỉnh đến khi tương thích”, “chuẩn bị mọi thứ để cuộc gặp diễn ra tốt đẹp”.
Saigon, 03/08/2018
Phùng Thị Hồng Thắm