TỔNG KẾT GIAO LƯU TRỰC TUYẾN "PHÒNG MẠCH 4.0: PHẦN 2


NHỮNG VẤN ĐỀ CHÍNH ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ BUỔI GIAO LƯU
1. Mở đầu buổi giao lưu, Bs Phùng Thị Hồng Thắm trình bày những tiền đề để dẫn đến buổi giao lưu: 1) cơ sở pháp lý cho phòng khám của bác sĩ, 2) Người dân vẫn còn cần phòng khám của bác sĩ (thường gọi là phòng mạch) và bác sĩ vẫn có khát vọng có một công việc độc lập của chính mình bên cạnh việc làm tại bệnh viện, 3) Phòng khám cần cải tiến như thế nào trong khi ngày càng có nhiều mô hình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác nhau để người dân lựa chọn, 4) Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều đột phá trong nhiều lĩnh vực và với tốc độ thay đổi rất nhanh, tác động rất lớn đến nền y tế, 5) Cơ sở pháp lý về y tế từ xa. Trong đó, đề cập 2 cách tiếp cận cho mô hình phòng mạch trong nền công nghiệp 4.0: 1) mô hình mới, mang tính sáng tạo, 2) Cải tiến các mô hình hiện hữu.

1.1 Sáng tạo ra một mô hình mới để giải quyết nhu cầu của bệnh nhân và chuyên môn của phòng mạch bác sĩ. Cách này thường đến từ các nhà công nghệ, phần lớn thông qua việc tìm kiếm mô hình trên thế giới, điều chỉnh theo thực tế Việt nam, hiếm thấy một mô hình hoàn toàn sáng tạo. Các nhà công nghệ tìm cách kết nối, tương tác với các nhà chuyên môn để đưa ra các giải pháp. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách giữa chuyên môn và công nghệ, hiện nay, để tạo ra một sản phẩm được người dùng (bác sĩ và bệnh nhân) chấp nhận và tin dùng một cách ổn định, vẫn còn rất ít.
1.2 Các phòng mạch hiện hữu theo cách thức cũ (chiếm phần lớn) cũng cần có những bước cải tiến để đáp ứng khách hàng và thành công trong bối cảnh mới.

Theo Bs Nguyễn Trọng Anh, dân trí ngày càng nâng cao, thông qua giáo dục, truyền thông, tương tác trên mạng xã hội, … Khách hàng biết cách quản lý và quyết định sức khỏe của mình, chính họ là “giám đốc sức khỏe” cho bản thân, do đó bác sĩ sẽ có cách thức đáp ứng phù hợp với “bệnh nhân là trung tâm”
2. Phòng mạch trong nền công nghiệp 4.0 nên có: 1) một số phương tiện kết nối, tương tác như: tổng đài điện thoại, kết nối Wifi, điểm kết nối trên internet (platform/mạng xã hội/ web/ Blog), trợ lý ảo, … 2) quản lý như: hồ sơ sức khỏe cá nhân (PHR), chia sẻ dữ liệu từ bệnh án điện tử (EMR), ngoài ra cũng cần các thiết bị y tế không dây để tương tác trong quá trình khám bệnh; thiết bị đeo tay để theo dõi sức khỏe trực tuyến, ….3) Một giải pháp cụ thể cho từng phòng mạch hoặc một hệ sinh thái phòng mạch về cấu trúc, kỹ thuật, chuyên môn, tài chính, truyền thông và tiếp thị. Tại buổi giao lưu Mr Nguyễn Tuấn Anh đã trình bày về các giải pháp của Ecomedic dành cho các bác sĩ, App Udr trong hệ sinh thái của Ecomedic. Tại Việt nam, gần đây có App khám trực tuyến của VOV, và một số nhà cung cấp trong lĩnh vực công nghệ khác cũng đang tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng cho mô hình phòng khám của bác sĩ.
Các bác sĩ có thể ứng dụng ngay những cái sẵn có, đơn giản nhưng hiệu quả để làm telemedicine cho phòng mạch thông qua Facebook (Video Call, Messenger, Chat Bot, phương thức thanh toán), chuyển dữ liệu từ Facebook để làm EMR. Bác sĩ nên có tư duy về dịch vụ, biết cách quảng bá, và làm thương hiệu cho phòng khám online. Đây là những kinh nghiệm được chia sẻ từ Bác sĩ Nguyễn Trọng Anh, người đang có Phòng khám trực tuyến BacsiAnh, một phòng khám telemedicine được xây dựng từ 2 năm qua.
Bs Nguyễn Tường Vũ chia sẻ về cách viết bài y khoa cho cộng đồng nên bắt đầu từ câu chuyện thực tế, viết bằng cảm xúc của bác sĩ trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân và sự quan tâm chân thành đến lợi ích của người đọc thì những bài viết như thế sẽ tạo ra một hiệu ứng rất tốt, tốt hơn cách viết bài theo kiểu hàn lâm.
3. Phòng mạch thuộc các nhóm: 1) nhóm bệnh bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, cơ xương khớp, da liễu, …; 2) nhóm cận lâm sàng như: chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm; 3) nhóm tư vấn phòng bệnh, tư vấn dinh dưỡng, tư vấn nhi khoa, tư vấn tâm lý; nhóm chăm sóc hậu phẫu, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền, lão khoa, chăm sóc cuối đời là những nhóm có nhiều cơ hội ứng dụng y tế từ xa. Mô hình bác sĩ gia đình, chăm sóc sức khỏe tại nhà đang có xu hướng phát triển.
Tuy nhiên, theo Bs Tô Quang Định, Phòng Khám Bác sĩ Gia Đình Saigon và FClinic, cho rằng hiện nay, nhiều người kể cả nhân viện y tế chưa hiểu đúng vai trò của bác sĩ gia đình; công việc chính của bác sĩ gia đình là chăm sóc sứ khỏe và quán lý sức khỏe cho người từ khi sinh ra cho đến cuối, và có tính liên tục suốt đời, do đó sẽ có nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe được thiết kế cho mô hình bác sĩ gia đình. Bác sĩ gia đình phải là một network, trong đó bác sĩ gia đình cần có sự kết nối với các chuyên gia như chuyên gia dinh dưỡng, tâm lý, bác sĩ chuyên khoa như tim mạch, thần kinh, … để chăm sóc sức khỏe cho khách hàng.
Một số ý kiến cho rằng, việc tập trung vào một số dịch vụ y tế đặc thù nào là rất quan trọng, vì sức lực của tổ chức là có giới hạn, để giải quyết bài toán cung – cầu, giá và phương thức chi trả để đảm bảo mô hình tồn tại và phát triển. Khi hành nghề ,trong giới hạn của một bác sĩ, trong phạm vi của sự liên kết và hợp tác giữa các phòng mạch cùng thống nhất với nhau về 1) chuyên môn y khoa và giải pháp công nghệ 2) có những tiêu chuẩn để công nhận cùng nhau và không trái luật, 3) tin tưởng lẩn nhau.
4. Trong vòng 5 năm qua, sau một thời gian, tại Việt nam các nhà công nghệ cho ra đời rất nhiều ứng dụng (Apps) kết nối giữa bệnh nhân và bác sĩ, nhưng vẫn chưa tìm được cơ hội tồn tại vững chắc cho mô hình này. Từ đây, có một hướng mới mở ra: tập trung vào mối liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, các nhà công nghệ sẽ cung cấp 1 giải pháp cụ thể cho 1 phòng mạch bác sĩ. Có những ý kiến, nếu sự kết nối tiếp tục, thì phương hướng đó phải được nâng tầm lên các chuỗi giá trị hay hệ sinh thái y tế, mà không chỉ là kêu gọi bác sĩ đi vào một cấu trúc kết nối đơn thuần.
5. Trong xu hướng của nền kinh tế chia sẻ, thế giới đã có những nhà kiến thiết cho chuỗi giá trị và hệ sinh thái một cách xuất sắc, tại Việt nam cũng có những cá nhân/tổ chức/công ty tập đoàn đi lên theo xu hướng này. Việc tạo dựng 1 doanh nghiệp của các nhà khởi nghiệp là một việc không phải dễ dàng và tỷ lệ thành công ở mức thấp, việc tạo ra một chuỗi giá trị hay hệ sinh thái lại càng khó hơn, đó là lý do vì sao có hiện tượng thường nghe rất nhiều quan điểm hay rất nhiều lý thuyết được bàn luận nhưng lại có rất ít những thực tế để minh chứng. Tại Việt nam, HelloDoctor (ChaoBacsi) đã có một quá trình trải nghiệm sâu sắc gần 10 năm qua; và gần đây có ClasHealthcare, Ecomedic. Mr Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập Ecomedic, chia sẻ: Ecomedic được xây dựng từ triết lý của hệ sinh thái y tế và đang tiếp tục hoàn thiện. HelloDoctor, Ecomedic là những trải nghiệm thực sự rất đáng trân trọng, những khó khăn vẫn còn phía trước. Trí tuệ của bác sĩ cùng với các nhà công nghệ vẫn tiếp tục khám phá và muốn tiếp tục tìm ra một giải pháp có giá trị nhất cho cộng đồng.
Ngày 20.05.2018
Bs Phùng Thị Hồng Thắm


Xem tiếp
Phần 3 tại đây
Link xem trực tiếp