TỔNG QUAN CHẤT LƯỢNG KHÁM CHỮA BỆNH – BÀI VIẾT SỐ 2 – Phùng Thắm

Vietnam Carenet: Tài Liệu 2012

Sức khỏe phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các nước đang phát triển, sự phòng bệnh chưa đạt mức độ cao, phần lớn người dân khi có bệnh thì mới đến cơ sở y tế, điều này làm tăng mức độ rủi ro sức khỏe, do vậy trách nhiệm càng nặng nề hơn đối với y bác sĩ và cơ sở khám chữa bệnh, và họ luôn chịu áp lực trước những đòi hỏi bức thiết là phải chữa lành bệnh cùng với sự phục vụ tận tình và chu đáo.
Chất lượng khám chữa bệnh là sự tích hợp của 1) trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngủ y bác sĩ, 2) cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị, 3) quy trình chuyên môn kỹ thuật và 4) cách thức quản lý chuyên môn, các yếu tố này cùng đóng vai trò chủ yếu tạo ra kết quả khám chữa bệnh. Ngoài ra, các yếu tố như: 1) sự giao tiếp giữa y bác sĩ và bệnh nhân, 2) sự tận tâm của y bác sĩ, 3) nhân sự và phương tiện của bệnh viện sẵn sàng phục vụ các nhu cầu chính đáng của bệnh nhân, 4) môi trường của bệnh viện, 5) thời gian cho cuộc khám, các yếu tố này thuộc về chất lượng dich vụ của bệnh viện cũng góp phần quan trọng. Như vậy, chất lượng bệnh viện là sự kết hợp của chất lượng chuyên môn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ, kết quả khám chữa bệnh như một hệ quả chung, trong đó chất lượng chuyên môn kỹ thuật có tác động chủ yếu.
Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam đã chỉ ra rằng chất lượng bệnh viện tác động rất lớn đến sự hài lòng của bệnh nhân, những bệnh nhân được hài lòng, họ sẽ hợp tác hơn để theo dõi và thực hiện các chế độ điều trị, ảnh hưởng đến sự tái khám và sự lựa chọn bệnh viện sắp tới của bệnh nhân khi có nhu cầu, và những bệnh nhân hài lòng sẽ giới thiệu bệnh viện với người thân và bạn bè.
Trên thế giới, việc áp dụng các phương pháp chất lượng; việc đánh giá và công nhận CLBV được thực hiện rất phổ biến. Đặc biệt tại các nước phát triển, công việc này được thực hiện mang tính thường quy. Nhiều tổ chức thẩm định chất lượng bệnh viện như JCI (Joint Commission International) của Mỹ, ACHS (The Australian Council on Health care Standards) của Úc đã xây dựng các bộ công cụ và sau đó thẩm định, cấp chứng nhận cho những bệnh viện đã đạt các cấp độ về chất lượng. Tại đa số các nước phát triển, cơ quan BHYT chỉ ký hợp đồng với những bệnh viện đã đạt chứng nhận chất lượng và chỉ thanh toán viện phí cho người bệnh nếu điều trị tại các bệnh viện đã được công nhận chất lượng. Một số cơ quan/tổ chức bảo hiểm chỉ thanh toán dưới 80% mức giá viện phí nếu bệnh viện chưa đạt chứng nhận chất lượng. Chính vì vậy, việc phấn đấu nâng cao chất lượng để được công nhận của các bệnh viện được thực hiện như một nhu cầu tự nhiên tất yếu và mang ý nghĩa sống còn (Trích “Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện 2012, Bộ Y tế).
Trong thời gian gần đây, vấn đề “Chất lượng khám chữa bệnh” đang được Chính phủ, Quốc hội, và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Sau khi Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012 về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì yêu cầu nâng cao chất lượng bệnh viện ngày càng trở nên cấp thiết; đó là một nguyện vọng chính đáng của người dân (Trích “Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện 2012, Bộ Y tế).

Ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và nâng cao chất lượng bệnh viện và sự hài lòng của bệnh nhân đối với bệnh viện, Vietnam Carenet cung cấp một số kiến thức cơ bản để bạn đọc tiếp cận từ nền tảng trong việc thiết lập và triển khai hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện, phòng khám.
Năm 2012
BS Phùng Thị Hồng Thắm



------------------------------------------------------------------------------------
 LẬP DỰ ÁN PHÒNG KHÁM ĐA KHOA (PHIÊN BẢN 2)
------------------------------------------------------------------------------------

Bài viết tiếp theo
Tổng quan chất lượng khám chữa bệnh - Bài viết số 3